Xuất gia rời bỏ gia đình có phải là bất hiếu?

Cha mẹ chẳng những cho ta dáng vẻ, hình hài, tiếp sức cho ta lý trí, nghị lực và niềm tin giúp ta vững vàng đứng lên để bước vào đời mà còn vun đắp cho ta trái tim dịu dàng, từ ái giúp ta rộng lượng, bao dung, đồng cảm trong cuộc đời. Vậy nên, phận làm con phải ở gần cha mẹ để chăm lo, cơm bưng nước rót, phụng dưỡng cũng như thuốc thang cho cha mẹ những khi trái gió trở trời để báo đáp thâm ân sâu dày của cha mẹ.

Nhưng người xuất gia thì sao? Xuất gia là phải cắt ái từ sở thân, không thể ở nhà chăm lo cho cha mẹ, không thể làm ra kinh tế để chu cấp cho cha mẹ thì người xuất gia có phải là bất hiếu không?

Kính mời quý Phật tử cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây qua sự chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh.

Hiếu ở thế gian là tiểu hiếu

Đối với sự nhìn nhận của thế gian, người không thể chăm lo, phụng dưỡng cha mẹ là người bất hiếu. Người con có hiếu phải là người biết báo đáp cha mẹ bằng cách trưởng thành, lập gia thất, lấy vợ, vợ phải sinh được con và sinh được con trai cho cha mẹ; vì nếu không có con trai nối dõi tông đường thì các cụ cũng cho đó là bất hiếu.

Chữ “hiếu” của thế gian là phải giữ gìn gia đình, gia tộc được ôn hòa, tốt đẹp, không mang tai tiếng cho cha mẹ, phải công thành danh toại ở đời, đem vẻ vang cho cha mẹ. Người con ấy cũng phải biết phụng dưỡng cha mẹ, không để cha mẹ đói khát, khổ sở. Khi cha mẹ già, yếu, bệnh thì người con phải chăm sóc cho cha mẹ đầy đủ, cơm bưng nước rót, thuốc thang vỗ về, sớm tối thăm nom. Cha mẹ mất đi thì lo tang lễ đầy đủ. Tang lễ rồi thì người con phải lo chu đáo phần mộ, rồi phải thường thăm viếng mộ phần, hương khói, giỗ chạp đầy đủ.

Chăm sóc cha mẹ khi ốm đau bệnh tật (ảnh minh họa)

Chăm sóc cha mẹ khi ốm đau bệnh tật (ảnh minh họa)

Hiếu của người con tại gia là sự chăm sóc thân xác này cho cha mẹ, tuy có giúp cho tinh thần cha mẹ được vui vẻ, được vẻ vang một chút; nhưng theo lẽ vô thường, cha mẹ vẫn già, bệnh và chết đi và nếu nghiệp xấu của cha mẹ không chuyển đổi thì theo nghiệp xấu, cha mẹ vẫn bị đọa lạc trong ba đường dữ.

Người con tại gia cơm bưng, nước rót cho cha mẹ là quý, là hiếu nhưng chỉ cơm bưng, nước rót mà không giác ngộ được cho cha mẹ thì chưa thật là cứu cha mẹ thoát khổ. Nhiều khi con cái có tiền của, cho cha mẹ tiền của lại làm cho cha mẹ bị đọa.

Vậy nên, con cái hiếu thảo với cha mẹ, nhất là cha mẹ về già thì không nên cho cha mẹ vàng bạc, tiền của nhiều vì người già thường hay tiếc của, giấu đi rồi đến lúc chết, họ luẩn quẩn với mấy đồng tiền ấy, đọa làm ngạ quỷ. Thế rồi khi cha mẹ chết, con cái xây mộ ốp đá hoa cương thật đẹp, cha mẹ tiếc tiền bạc của con mình bỏ ra nên họ cứ ở đó làm quỷ giữ mồ không siêu thoát được. Vậy nên, cha mẹ về già thì người con không nên cho vàng, cho đồ quý. Thầy cũng khuyên hai cụ thân sinh nhà Thầy là ông bà đừng giữ tiền bạc, có đồng nào thì ông bà cúng dường Phật để tăng trưởng phước báu cho mình.

Người con có hiếu là người con quý, được phúc lành nhưng hiếu của người tại gia như cơm bưng nước rót, cho cha mẹ tiền bạc chưa thể giúp cho cha mẹ hết khổ; mà nhiều khi lại khiến cha mẹ đọa lạc, luẩn quẩn trong luân hồi; do đó, người tại gia phải biết tu chữ “hiếu” để làm sao mang lại lợi ích lớn nhất cho cha mẹ hiện đời.

Hiếu của người xuất gia là đại hiếu

Thái tử Tất Đạt Đa (tức Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau này) khi Ngài đang 19 tuổi xuân xanh có vợ đẹp, con xinh, gia đình hạnh phúc, ngai vàng đang chờ sẵn, cả một quốc gia, dân tộc đang trông ngóng ở Ngài. Vậy mà Ngài bỏ cả cung vàng, điện ngọc để đi xuất gia, liệu Ngài có phải là bất hiếu hay không? Nếu bất hiếu thì chúng ta không thể thờ Ngài được, không lễ kính Ngài được vì chúng ta không bao giờ kính lễ người bất hiếu.

Đức Phật và mười phương chư Phật, các vị Bồ tát, Thánh Tăng đều là người xuất gia và các Ngài không bất hiếu dù các Ngài bỏ gia đình, cha mẹ, không phụng dưỡng cơm bưng nước rót, thuốc thang, tiền của như những người con khác.

Đối với người xuất gia, chữ “hiếu” là ở cấp độ cao hơn rất nhiều. Người con đi xuất gia mà tu hành đúng chính Pháp, trước là tự độ cho mình, sau cũng đem vẻ vang cho cha mẹ vì người con ấy có đạo đức, có đức hạnh tốt, cha mẹ không buồn khổ vì mình. Người con ấy mà hoằng dương Phật Pháp, làm lợi ích cho bao nhiêu người thì cha mẹ cũng vui vì họ đã làm được việc tốt đẹp.

Người con xuất gia, chân chính tu hành, thành tựu được đạo nghiệp thì có công đức cứu độ, giúp cha mẹ hướng tâm về Phật Pháp tu hành; cha mẹ biết bỏ ác làm lành để chuyển nghiệp ác; và khi cha mẹ mãn phần báo thân thì thần thức được tái sinh vào cảnh giới lành, hoặc được sinh thiên, sinh về cõi Phật thì đó là cách báo hiếu của người con xuất gia.

Báo hiếu của người xuất gia không chỉ là báo hiếu cho cha mẹ hiện đời mà còn báo hiếu cho cha mẹ nhiều đời, nhiều kiếp. Bởi với trí tuệ toàn giác của Đức Phật, Ngài thấy tất cả chúng sinh đều là cha mẹ của mình, không kiếp này thì kiếp khác.

Những người con xuất gia làm gương cho cha mẹ hiện đời tu hành chân chính đạo lực đầy đủ, chuyển hóa cho cha mẹ tu tập, giúp cho cha mẹ bỏ ác làm lành, quy y Tam Bảo, thực hành chính Pháp của Phật, cha mẹ được đắc độ thì đó chính là đại hiếu.

Đức Phật Thích Ca là tấm gương đại báo hiếu. Mặc dù là đấng Tối thượng nhưng Ngài không bao giờ quên ân của cha mẹ. Trước khi vua cha Tịnh Phạn mất, Ngài đã độ cho vua cha đắc Thánh quả A-na-hàm. Sau khi vua cha băng hà, Ngài đã trực tiếp mang thi hài vua cha trên vai mình đến nơi hỏa táng. Đối với mẹ ruột là hoàng hậu Ma Da, do công đức mang thai Thái tử Tất Đạt Đa rất lớn nên sau 7 ngày sinh Thái tử, bà đã bỏ thân sinh làm chư Thiên cõi Trời Đâu Suất. Đức Phật trước khi nhập Niết bàn, Ngài đã lên cõi Trời Đao Lợi thỉnh mẹ từ cõi Trời Đâu Suất sang để Ngài thuyết Pháp độ mẹ và chư Thiên trên đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

10 + four =