Thế nào là xuất gia? Muốn trở thành người xuất gia cần yếu tố gì?

Kể từ ngày Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia, tìm ra chân lý và khai sáng ra đạo Phật, lớp lớp người vẫn tiếp tục noi gương Ngài xuất gia cầu đạo. Từ hoàng đế Thuận Trị – vị vua toàn tài của triều đại Mãn Thanh, hay vua Trần Nhân Tông – vị Hoàng đế thứ ba của hoàng triều Trần nước Đại Việt, các vương tôn, công tử xưa cho đến những người có địa vị, học thức, tiền tài thời nay và tất cả giai cấp khác trong xã hội, những ai có chí nguyện đều sẵn sàng từ bỏ đời sống thế tục, dấn thân theo con đường Thái tử đã đi.

Vậy xuất gia là thế nào? Để xuất gia cần điều kiện gì? Kính mời quý Phật tử cùng đón đọc những chia sẻ trên Thầy Thích Trúc Thái Minh qua bài viết dưới đây.

Xuất gia gồm những ý nghĩa gì?

  #1 Xuất thế tục gia

Giải thích về ý nghĩa thứ nhất, Thầy Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Xuất thế tục gia nghĩa là chúng ta sẽ rời bỏ ngôi nhà tại gia chúng ta đang ở”.

Người xuất gia phải bỏ tất cả những thứ khó bỏ: cha mẹ, vợ con, tài sản,… phải hy sinh tiểu hiếu để hoàn thành đại hiếu. Tuy là “rời bỏ” người thân, gia đình, nhưng người con xuất gia mà tu hành chân chính, đạo lực đầy đủ, thì không chỉ giúp được cha mẹ hiện kiếp mà cả cha mẹ nhiều kiếp về trước.

#2 Xuất phiền não gia

“Ra khỏi ngôi nhà phiền não chính là xuất phiền não gia” – Thầy Thích Trúc Thái Minh lý giải. Chúng ta đang sống trong “ngôi nhà phiền não”, trong tâm đầy rẫy phiền não, khổ đau. Chính vì thế, xuất gia sẽ giúp chúng ta dần buông bỏ cho đến khi đoạn trừ mọi đau khổ, ràng buộc.

#3 Xuất tam giới gia

Thầy giảng giải: “Ngôi nhà tam giới là dục giới, sắc giới và vô sắc giới, chúng ta cũng phải ra khỏi để vĩnh viễn thoát ly khỏi luân hồi sinh tử”.

Người xuất gia chân thật là người rời bỏ con đường phàm phu để vào dòng Thánh, bước đi trên con đường cao rộng, thênh thang, con đường vĩnh viễn thoát ly khỏi vòng sinh tử luân hồi.

Xuất ngôi nhà thế tục gia, xuất đổ phiền não và xuất ra khỏi tam giới này chính là nghĩa của chữ xuất gia. Người nào thoát ly được như vậy mới thật xứng là Sa môn Thích tử.

Muốn trở thành người xuất gia cần yếu tố gì?

#1 Chí nguyện với Phật Pháp

Thầy Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Để thực tập được Pháp Phật, để xuất gia theo thanh quy của chùa mình thì người đó phải có một thời gian thực tập, thử thách từ 6 tháng, một năm cho đến hai ba năm. Trong thời gian rèn luyện thì Thầy sẽ cho vào rừng để thực tập hạnh đầu đà. Nếu thấy được chí nguyện bền bỉ mới được xuất gia. Bởi việc rèn luyện, việc tu là việc khó. Cho nên Thầy phải tuyển chọn những người có chí nguyện, vào đây được thử thách, học Phật Pháp thì trong chúng sẽ bồi dưỡng thêm. Thấy được chí nguyện qua các gian khổ được thì mới được xuất gia”.

Thầy chia sẻ thêm: “Thầy cần nhất là người có chí nguyện, thật sự chịu đựng mới được xuất gia chứ không phải vui vui thì xuất gia. Chùa chúng ta cũng đã có những huynh đệ vui vui mà xuất gia sau đó thối chí. Cho nên cần nhất là chí nguyện đối với Phật Pháp. Thấy được đời là khổ nên chúng ta phải tu để giải thoát. Chùa mình có tâm nguyện độ sinh, trong quá trình thử thách mình thấy được chí nguyện, tâm nguyện như thế mới cho xuất gia”.

Xuất gia là con đường duy nhất đưa tất cả chúng sinh đi đến chỗ hết khổ đau, được hạnh phúc, an lạc. Chắc chắn trên con đường đạo sẽ có nhiều chông gai, thử thách; nhưng càng khó khăn, gian khổ thì chí nguyện phải càng phải mạnh mẽ, vững chãi, không thối chuyển. Như vậy, chí nguyện xuất gia mới có thể thành tựu viên mãn.

#2 Về sức khỏe

Thầy tiếp tục giảng giải: “Còn tiêu chí nữa, đó là người xuất gia thì không được mắc những bệnh nặng, bệnh truyền nhiễm hay là bệnh bạch tạng; khuyết tật về các căn, ví dụ như mắt mù, mắt chột, hay mất tai, không có mũi hay mồm miệng bị sứt thì Phật cũng không cho xuất gia”.

Bên cạnh chí nguyện xuất gia cũng như điều kiện về sức khỏe, người muốn xuất gia cầu đạo cần đáp ứng một số tiêu chí như: người đủ 18 tuổi trở lên, nếu có gia đình thì phải được sự chấp thuận, không nghiện ngập, nợ nần và không vi phạm pháp luật; thời gian thực tập, thử thách từ sáu tháng – một năm; vâng kính tất cả những lời chỉ dạy của chư Tăng trong quá trình tập tu xuất gia,…

Thầy Thích Trúc Thái Minh từng chia sẻ: “Tất cả chúng sinh rồi cũng sẽ phải xuất gia, kiếp này chưa xuất gia thì kiếp sau, bây giờ chưa xuất gia được thì tương lai sẽ xuất gia”.

Hy vọng, qua bài viết này quý Phật tử khởi được tâm tùy hỷ, tán thán với những người có chí nguyện xuất gia và chân chính xuất gia. Từ đó, gieo trồng cho bản thân hạt giống Bồ đề để có nhân duyên thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.

One thought on “Thế nào là xuất gia? Muốn trở thành người xuất gia cần yếu tố gì?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

eighteen + twelve =